Nghịch lý ngành sản xuất thuốc Việt Nam: Chiểm tỷ trọng cao, nhưng giá trị thương mại thấp

Sau 27 năm mở cửa nền kinh tế, ngành dược Việt Nam trong mắt ông Trịnh Văn Lẩu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dược, là một ngành phát triển nhanh.

Ông Lẩu cho biết, từ 1986 đến nay, ngành dược Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10,6% mỗi năm. Việt Nam sở hữu 228 nhà máy đạt GMP, trong đó có 7 cơ sở sản xuất vắc xin, thuốc sinh học; 51 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài và 18 nhà máy đạt GMP EU hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

Tuy nhiên, trên thị trường, thuốc sản xuất nội địa chủ yếu là các thuốc generic giá trị thấp. Cụ thể, doanh nghiệp trong nước chiếm tới 70% tổng số lượng thuốc sử dụng trên thị trường, nhưng về giá trị chỉ khoảng 46%. Trong khi đó, thuốc nhập khẩu chiếm 54% tổng giá trị thị trường, dù thị phần ở mức 30%.

Hoi-doanh-nghiep-duoc-Viet-nam
Hội doanh nghiệp dược Việt Nam

Theo ông Trịnh Văn Lẩu, thuốc là hàng hóa đặc biệt vì có hàm lượng hoạt chất nhỏ nhưng có tác dụng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đồng thời thuốc có hàm lượng khoa học công nghệ, trí tuệ cao nên giá trị và giá trị sử dụng cũng cao. Vì vậy, để gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược phẩm, ông cho rằng Việt Nam cần tập trung vào 3 yếu tố:

Thứ nhất, với các doanh nghiệp: Tập trung đầu tư vào các thuốc xã hội cần và có giá trị kinh tế cao như thuốc có nguồn gốc dược liệu, thuốc sinh học; vắc xin, sinh phẩm y tế; các thuốc sản xuất nhượng quyền, thuốc chuyển giao công nghệ, thuốc có đạng bào chế đặc biệt; nguyên liệu làm thuốc generic chuyên khoa/đặc trị có hàm lượng nhỏ.

“Cần duy trì đổi mới tư duy, đổi mới khoa học – công nghệ trong vấn đề sản xuất thuốc generic, tạo ra nhiều sản phẩm mới đặc thù. Không thể sản xuất thuốc phát minh ngay bây giờ, vì lúc này chúng ta chưa làm được”, ông nhấn mạnh.

Thứ hai, với các cơ sở khoa học công nghệ: Đẩy mạnh nghiên cứu gắn liền với  nhu cầu của thị trường. Như vậy, các nhà khoa học cần phải gắn với doanh nghiệp để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đặc hữu của Việt Nam, sản phẩm nhương quyền, chuyển giao công nghệ,…Cần đầu tư tập trung từ đầu đến khi ra sản phẩm cuối cùng để thương mại hóa.

Thứ ba, với cơ quan quản lý: Lấy phương châm Nhà nước ngày càng nhỏ, xã hội ngày càng lớn và phải xác định rõ, khi đầu tư vào phát triển ngành dược các nhà đầu tư có lợi gì; từ đó đổi mới tư duy trong xây dựng cơ chế chính sách cho phù hợp với đổi mới sáng tạo, tạo ra bước đột phá trong việc phát triển ngành dược. Cần có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư y tế; các hoạt động dịch vụ trong nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng, thử tương đương sinh học…. Trên cơ sở đó cần sửa đổi các Luật như: Luật Dược năm 2016; Luật Chuyển giao công nghệ 2017 và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp,…

Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam nên đẩy nhanh vấn đề đăng ký thuốc. “Doanh nghiệp FDI đầu tư xây dựng xong nhà máy mà đăng ký thuốc không có thì 1-2 năm là họ ‘chết’ ngay lập tức”.

Cuối cùng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dược đề xuất Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành thuốc, đảm bảo vấn đề an ninh nguyên liệu.

Sau đại dịch Covid-19, nhiều nước đối mặt với vấn đề thiếu nguyên liệu sản xuất thuốc, bởi nguồn nguyên liệu hiện nay tập trung chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ngay tại Nhật Bản, Hiệp hội dược Nhật Bản cũng đang kêu gọi nhà nước đầu tư để tự chủ một phần an ninh nguyên liệu làm thuốc.

Nguồn: Báo đầu tư

    Tin liên quan

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *