Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, công tác quản lý thuốc thú y tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, triển khai thiếu đồng bộ và không thống nhất trong kiểm soát điều kiện buôn bán, lưu hành, quảng cáo và xử lý, thu hồi sản phẩm vi phạm.
Cả nước có 89 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), trong đó có 10 cơ sở sản xuất vắc xin thú y đạt GMP và 2 cơ sở sản xuất vắc xin thú y đang đầu tư nhà máy GMP, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Sản lượng thuốc, vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu, đồng thời xuất khẩu được sang hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Xem thêm: Tiêu chuẩn gmp trong san xuất thuốc thú y
Các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y đã có 3 phòng thí nghiệm được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH) cấp độ III (cả nước đến thời điểm hiện tại có tổng cộng 6 phòng thí nghiệm đạt ATSH cấp độ III, bao gồm 3 phòng thí nghiệm của ngành Y tế).
Công tác quản lý việc kê đơn, sử dụng thuốc, chất lượng thuốc lưu hành, nhãn mác hàng hóa, thuốc cấm sử dụng, thuốc giả, thuốc lậu, thuốc không có trong danh mục được phép lưu hành tại nhiều địa phương chưa tạo ra các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các hành vi vi phạm.
Lợi dụng sự phát triển bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, nhiều đối tượng đã rao bán tràn lan các loại thuốc thú y qua các hội nhóm kín, qua các công cụ mở của các nền tảng mạng xã hội. Chỉ bằng 1 cú click chuột, toàn bộ nội dung, hình ảnh về sản phẩm sẽ đến được với hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn thành viên trong nhóm. Chi phí quảng cáo qua hình thức này là bằng 0, trong khi lại tránh được sự quản lý, truy xét của các cơ quan chức năng về bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, trang thiết bị, điều kiện bảo quản thuốc theo quy định… Vì vậy, các đối tượng cứ âm thầm quảng cáo, trà trộn các sản phẩm ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu để buôn bán, giao dịch thông qua các mạng xã hội.
Đối với việc vận chuyển các loại thuốc thú y nói chung, khi vận chuyển, giao hàng, phương tiện vận chuyển được quy định phải sạch sẽ, đảm bảo tránh nước, chống ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp, duy trì được chất lượng thuốc thú y (sử dụng phương tiện được trang bị thiết bị lạnh đối với các loại vắc xin). Không vận chuyển thuốc thú y với hàng khác, không bốc xếp thuốc thú y khi trời mưa.
Đối với thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, việc vận chuyển được quy định tại Thông tư 13/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/9/2022, theo đó, thuốc phải được đóng gói và ghi nhãn sản phẩm đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật, trong đó ghi rõ tên chất, nồng độ, hàm lượng, khối lượng, nguồn gốc, xuất xứ; cá nhân, cơ quan, tổ chức có thuốc thú y nêu trên phải chịu trách nhiệm về sự an toàn và việc thất thoát hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Với các giao dịch trực tuyến chưa được kiểm soát, không có gì đảm bảo rằng người bán sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định trên hay chỉ đóng gói và gửi đến người mua như những hàng hóa thông thường khác.
Những hạn chế trong việc quản lý chất lượng và lưu hành thuốc thú y cũng mang đến khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống kháng thuốc và tồn dư kháng sinh. Từ đó ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật do không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Các biện pháp trước mắt được Cục Thú y triển khai để nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y: Rà soát, cập nhật thường xuyên danh mục thuốc thú y đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam để đăng lên website của cục; hoàn thiện phần mềm về quản lý thuốc thú y để công bố, cập nhật danh mục thuốc thú y tại Việt Nam, tình hình sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y trong từng thời kỳ.
Phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, xác định những thiếu hụt, chồng chéo, bất cập và đề xuất xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan đến việc quản lý và giám sát việc sử dụng thuốc thú y, kháng sinh và kháng kháng sinh trong nông nghiệp; quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở buôn bán thuốc thú y và cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản về việc lưu thông và sử dụng thuốc thú y đúng quy định.
Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, đang hoàn thiện làm thủ tục trình Chính phủ phê duyệt.
Nguồn: Báo thanh tra
Tin liên quan