Theo Bidiphar, dự án nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có diện tích gần 25.000m2, công suất thiết kế 120 triệu sản phẩm/năm (tương đương 1.600 tấn/năm).
Ngày 30/6, HĐQT Công ty CP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, HOSE: DBD) công bố nghị quyết về việc triển khai đầu tư dự án nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Theo Bidiphar, đây là dự án nhà máy sản xuất thuốc có diện tích gần 25.000m2, công suất thiết kế 120 triệu sản phẩm/năm (tương đương 1.600 tấn/năm), trong đó tập trung vào các dòng sản phẩm thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt và các dạng thuốc vô trùng khác.
Tổng vốn đầu tư dự án là 840 tỷ đồng, chủ yếu đến từ vốn góp với 700 tỷ đồng, còn lại là vốn vay tín dụng khác. Thời hạn hoạt động của nhà máy là 50 năm, tính từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu.
Bidiphar cho biết, tiến độ theo kế hoạch bắt đầu từ quý III/2023 (thời điểm hoàn thành các thủ tục hành chính về đầu tư) đến quý I/2027 cho giai đoạn 1; và năm 2030 sẽ bắt đầu khởi công giai đoạn 2 (tòa nhà văn phòng).
Đây sẽ là dự án trọng điểm của Bidiphar trong thời gian tới. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức vào hạ tuần tháng 4, cổ đông đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 18,7 triệu cổ phiếu (tương đương 25% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho 5 nhà đầu tư chiến lược, với giá chào bán tối thiểu 50.000 đồng/cp.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 – 2024, sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nếu đợt phát hành đạt kỳ vọng, Bidiphar sẽ huy động ít nhất 935 tỷ đồng, và nguồn vốn này được tập trung, ưu tiên cho đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU, như đề cập phía trên.
Xem thêm: Tiêu chuẩn GMP-EU là gì
Song song đó, kế hoạch phát triển của Bidiphar cũng bao gồm việc hoàn thiện tục khởi công nhà máy non-betalactam khác với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, cho giai đoạn 2023 – 2026. Động thái mở rộng hoạt động kinh doanh là tín hiệu tích cực đối với các cổ đông, nhà đầu tư của Bidiphar.
Trên thị trường chứng khoán, Bidiphar là doanh nghiệp dược duy nhất sản xuất thuốc ung thư và cũng là 1 trong 3 nhóm sản phẩm chủ lực tạo nên tên tuổi và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, bên cạnh 2 nhóm khác là thuốc kháng sinh và dung dịch thẩm phân.
Khác với phần đông doanh nghiệp chịu tác động xấu bởi dịch bệnh, lãi suất tăng… Bidiphar vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2022 khả quan với doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 95% kế hoạch đề ra; lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng trưởng 30% và vượt 40% kế hoạch được giao phó.
Trên cơ sở tăng trưởng tốt, Đại hội cổ đông Bidiphar đã chốt phương án cổ tức ở mức 20% bằng tiền mặt.
Sang năm 2023, Bidiphar tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu 1.800 tỷ đồng, tăng 11%; lãi trước thuế 300 tỷ đồng, tương đương thực hiện 2022. Cổ tức tiền mặt hoặc cổ phiếu 20%.
Khó phủ nhận sức hấp dẫn của cổ phiếu DBD trong mắt giới đầu tư, đặc biệt kể từ đầu năm 2022 đến nay. Trong vòng 6 tháng qua, giá cổ phiếu DBD đã tăng thêm 35%, chinh phục ngưỡng 50.000 đồng/cp (ngang với mức giá dự kiến chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược).
Đó cũng là vùng giá cao lịch sử của DBD sau 6 năm lên sàn chứng khoán, thậm chí, còn bỏ xa mức giá thiết lập vào tháng 3/2022 – thời điểm thị trường “cực thịnh” với chỉ số VN-Index đạt hơn 1.500 điểm.
Theo Kinh tế chứng khoán
Tin liên quan